vuvobd.vn
NHÀ TỪ ĐƯỜNG DÒNG HỌ VÕ THÀNH PHỐ THUẬN AN: ĐIỂM TỰA TINH THẦN CỦA HIỆN TẠI TỪ QUÁ KHỨ (04/10/2022)
Cội rễ, gốc gác với nhiều người Việt Nam thật đơn giản mà ý nghĩa vô cùng to lớn. Cùng với gốc đa, giếng nước, sân đình, những hình ảnh tiêu biểu của làng quê Việt Nam, cội rễ với đa phần người Việt còn là sự gắn kết và tiếp nối của bao thế hệ qua những bộ gia phả, nhà thờ họ. Gia phả và nhà thờ họ là điểm tựa tinh thần của hiện tại từ quá khứ.
Nhà có phả cũng như nước có sử, phả nhà để ghi chép thế thứ các đời theo hệ thống huyết mạch, trên dưới, mà thuật lại phân minh về bản chi, khiến cho muôn đời con cháu nhìn vào thì thấy rõ ràng như ở trước mắt…
Tại Khu phố Bình Hòa ngày nay trước kia là làng Bình Đức và làng Bình Đáng thuộc huyện Lái Thiêu tỉnh Sông Bé, có gia đình Cụ Võ Văn Ngàn (sinh năm 1925 thọ 79 tuổi) người đã tiên phong trong việc tìm lại cội nguồn dòng họ Võ nhà mình. Ông đã tìm về vùng đất miền Trung (tỉnh Bình Định) để thu thập thông tin cũng như nguồn gốc dòng họ từ khi ông bà tổ tiên di dân theo cuộc Nam tiến thời chúa Nguyễn. Sau nhiều năm thu thập từ thông tin nhỏ nhất đến lời kể lại của các cụ cao niên trong dòng họ, ông đã viết nên được gia phả dòng họ Võ và nhờ một người cháu trong họ tộc vẽ nên được cây gia phả dòng họ.
Cây gia phả được lưu giữ cẩn thận bởi người con trai thứ hai của Cụ Võ Văn Ngàn là ông Võ Quang Tấn (sinh năm 1950) hiện đang sống tại khu phố Bình Hòa, Phường Lái Thiêu, Tp Thuận An, tỉnh Bình Dương. Hàng năm cứ vào ngày giỗ họ (Mùng 6 tháng 6 Âm lịch), con cháu trong dòng họ về Nhà từ đường – nơi thờ chư liệt tổ dòng họ Võ để thắp nén hương cùng nhau tưởng nhớ đến dòng họ tổ tiên đồng thời họp mặt để gắn kết thêm tình cảm con cháu trong họ tộc.
Nói về Nhà từ đường của dòng họ, Ông Tấn cho biết: Ngôi nhà được cha ông là ông Võ Văn Ngàn xây cất năm 1975 với diện tích khoảng 50 m2. Nhà xây theo kiểu nhà ba gian, mái lợp ngói âm dương. Xung quanh ngôi nhà là khu vườn cây bóng mát, phía trước là sân rộng có hàng rào bảo vệ. Bên trong ngôi nhà, chính giữa được bố trí bàn thờ chư liệt tổ dòng họ, phía trước được bố trí bộ bàn ghế giữa nơi bày biện lễ vật cúng kiến trong các dịp giỗ tết. Hai bên bàn thờ được bố trí hai bộ bàn trà dùng để tiếp khách. Sàn nhà lát gạch, từ trong nhà nhìn ra phía trước là khoảng sân rộng đủ chỗ cho con cháu hội tụ về các dịp giỗ tết. Ông Tấn nói thêm: ông có ý định xây cất lại ngôi nhà cho khang trang hơn nhưng lại phân vân vì không muốn mất đi khung cảnh ngày xưa nơi cha mẹ ông và các anh em nhà ông đã sống và lớn lên với biết bao kỷ niệm đáng nhớ. Có lẽ ông sắp tới ông sẽ trùng tu lại nhưng vẫn giữ nguyên lối kiến trúc hiện tại.
Tìm hiểu thêm về Ông Võ Quang Tấn, người đang gìn giữ gia phả và chăm sóc nhà từ đường dòng họ Võ. Ông Tấn là một người sống rất hòa đồng, vui vẻ với lối xóm và là người rất có uy tín trong dòng họ. Ông đang làm Trưởng ban nghi lễ của Ngôi đình tại KP Bình Hòa. Qua tiếp xúc với ông, người viết hiểu thêm về văn hóa, lễ nghi của người Việt, nguồn gốc hình thành của các ngôi chùa, đình và miếu ở mỗi địa phương. Ông luôn mong muốn con cháu trong dòng họ hiểu rõ nguồn gốc của dòng họ mình , công lao của các đời trước để tu dưỡng , tiến bộ về mọi mặt làm rạng rỡ cho dòng họ.
Rời ngôi nhà từ đường, người viết được ông Tấn đưa đi đến khu mộ dòng họ Võ, cách nhà từ đường khoảng 200m. Khu mộ nằm ngay mặt tiền của khu đất đắt đỏ với diện tích khoảng 3000m2, được chăm sóc cẩn thận với nhiều cây xanh, hoa kiểng rất đẹp và mát. Nơi đây là mộ phần 3 đời của dòng họ với rất nhiều cụm mộ gồm con cháu họ Võ ở nhiều nhánh khác trong cùng một cây gia phả. Nhiều người trước khi khuất đã từng là người có uy tín, có địa vị, có cống hiến nhiều cho đất nước. Ông Tấn cho biết, một số ngôi mộ ở đây lẽ ra được chôn cất tại Nghĩa trang liệt sỹ của tỉnh, nhưng con cháu dòng họ Võ đã xin được về lại nơi đây để làm nơi an nghĩ cuối cùng, con cháu tiện bề chăm sóc, nhang khói và hơn hết đó đó còn là dòng máu cội nguồn của dòng họ luôn nồng ấm và chảy mãi theo thời gian. Có thể khi còn sống vì cuộc sống mưu sinh, cơm áo gạo tiền con cháu dòng họ Võ không thể ở cạnh nhau, nhưng đến lúc mất đi, họ tìm về nhau, nằm cạnh bên nhau để mộ phần khói hương được ấm cúng và là điểm tựa tinh thần cho con cháu đời sau.
Chừng hai thập kỷ gần đây, việc xây dựng Nhà thờ họ rộ lên khắp mọi miền đất nước, nhất là ở nông thôn. Truyền thống xây dựng Nhà thờ họ có từ lâu đời nhưng trải qua bao nhiêu năm chiến tranh, công việc này dường như không được tiến hành trong hoàn cảnh khó khăn của đất nước.
Cũng như những lễ hội truyền thống có từ lâu đời cũng chỉ nở rộ trong hòa bình và kinh tế phát triển. Chúng ta có truyền thống sinh hoạt cộng đồng rõ nét và mạnh mẽ, luôn thể hiện qua việc họp trường cũ, họp đồng môn, họp lớp, họp mặt cơ quan cũ, họp đồng hương, họp đơn vị… Những cuộc họp mặt giao lưu ấy củng cố khối cộng đồng bằng tình cảm, bằng những kỷ niệm trong quá khứ. Mối ràng buộc những con người với nhau là ký ức, là mảnh đất khi xưa cùng chung sống, hoạt động.
Họp mặt theo dòng họ thì lại có một yếu tố quan trọng khác là mối liên hệ huyết thống. Những cuộc họp mặt trên kia có thể có địa điểm là trường cũ, cơ quan cũ và thường là một địa điểm mượn nào đó, còn họp mặt theo dòng họ thì có một địa điểm thiêng liêng là Nhà thờ họ. Nếu ở xa không về được thì đành họp nhau tại một địa điểm nào đó, còn có điều kiện thì về Nhà thờ họ. Chính vì vậy, việc xây dựng Nhà thờ họ có ý nghĩa quan trọng và thiêng liêng. Các dòng họ rất mong muốn xây dựng một ngôi nhà thờ cho họ của mình, niềm khát khao đó âm ỉ từ lâu, nay có điều kiện sống trong hòa bình, gặp gỡ nhau bàn bạc, đóng góp trong điều kiện kinh tế khá hơn trước. Do đó, nở rộ một phong trào xây dựng Nhà thờ họ – song song với việc này, và còn có trước việc này là viết lại lịch sử dòng họ, vẽ lại cái cây Phả họ để lưu lại cho con cháu. Việc này ngày xưa ông cha ta hay làm và để vào trong những ống quyển bằng gỗ, đặt trên bàn thờ.
Xây dựng Nhà thờ họ là một việc làm có nhiều ý nghĩa, đây là một hành động hướng về cội nguồn. Chúng ta biết rằng hạt nhân của xã hội là gia đình. Một dòng họ có nhiều gia đình, nhiều dòng họ hợp thành xã hội. Một xã hội tốt đẹp phải bắt nguồn từ những gia đình tốt đẹp, từ những dòng họ tốt đẹp. Giáo dục trong dòng họ là một nhân tố cực kỳ quan trọng trong xã hội.
Võ Ngọc Phương Thúy
Các tin khác

HỘI ĐỒNG DÒNG HỌ VŨ VÕ TỈNH BÌNH DƯƠNG 

Facebook: https://www.facebook.com/hovuvobd

Email[email protected]

Website: vuvobd.vn

 

Zalo Ban Văn Phòng: 0813.014.789

Điện thoại hỗ trợ: 0919.31.32.95 (Võ Bích - Chánh Văn Phòng)

Địa chỉ Nhà thờ họ Vũ Võ : Đường Bạch Đằng, khu phố 1, Phường Vĩnh Tân, Thành phốTân Uyên (Bình Dương)

Google map: https://maps.app.goo.gl/1fzZCzk3CDi78u159