Theo cổ sử, khoảng năm 300 trước công nguyên, các dân tộc Việt thuộc dòng Bách Việt bị người phương Bắc chèn ép, phải lùi xuống phía nam, hình thành 4 quốc gia riêng biệt là Đông Việt, Mân Việt, Nam Việt và Lạc Việt. Trong hơn 1.200 năm sau đó, 4 quốc gia này liên tục bị người phương Bắc tìm cách thôn tính, người Bách Việt liên tục bị người Hán tìm cách đồng hoá. Tới năm 960, khi nhà Tống áp đặt được ách thống trị lên toàn cõi Trung Hoa thì trên bản đồ chỉ còn lại vùng đất châu Giao còn những người Việt chưa bị Hán hoá, nhưng cũng đã bị người Hán áp đặt sự cai trị từ khá lâu rồi.
Bấy giờ, ở thôn Mã Kỳ - xã Long Khê - phủ Thường Châu - tỉnh Phúc Kiến có dòng họ Vũ gốc Mân Việt nổi tiếng là nhân đức, thời nào cũng có nhiều người làm thày giáo giỏi, làm quan thanh liêm. Một trong số các vị đó là Vũ Công Huy làm quan nhà Đường, có chính thất là Lưu Thị Phương. Khi tuổi đã ngoại 60 mà vẫn chưa có con trai, Vũ Công Huy thường than phiền: "Tiền rừng bạc bể dễ như cỏ cây, con hiếu cháu hiền quý hơn vàng ngọc" rồi sau đó cáo quan, về quê. Vốn trên thông thiên văn, dưới tường địa lí, nay lại không còn vướng bận việc công, Vũ Công Huy liền đi thăm thú các nơi. Tới đất Châu Giao, thấy ở vùng đồng bằng thuộc huyện Nam Sách - tỉnh Hải Dương ngày nay có 100 gò đất hình tròn chầu xung quanh một gò cao nhất, tạo thành thế "bách nhạn hội sào" (một trăm con chim nhạn quây quần về tổ) rất quý, Vũ Công Huy bèn về quê, đem hài cốt cha là Vũ Công Oanh (tức Vũ Tiên Oanh) sang táng ở gò đất cao nhất, tục gọi là Đống Dờm. Tới đầu triều Lê có quan tham chính Trần Xuân Án người xã An Lạc - huyện Thanh Lâm được thày địa lí là Nguyễn Trọng Diệu chỉ cho Đống Dờm để táng mộ tổ. Khi đào lên, thấy một bia đá đề "Đường An, Khả Mộ, Vũ thị tổ mộ", Trần Xuân Án bèn bỏ đi tìm nơi khác, đồng thời báo cho người họ Vũ ở làng Mộ Trạch biết để bái tảo. Ngày nay, tấm bia ấy vẫn còn nguyên ở chỗ cũ.
Ngoài xây cất mộ cha ở Đống Dờm, Vũ Công Huy còn tạo lập cơ ngơi gần đó để an hưởng tuổi già. Ít lâu sau, thấy ở làng Mạn Nhuế có người con gái tên là Nguyễn Thị Đức gốc nhà gia giáo, tính tình đôn hậu, nói năng dịu dàng, Vũ Công Huy rất lấy làm cảm mến nên cậy nhờ người đứng ra tác thành hôn sự. Hơn một năm sau, Nguyễn Thị Đức có thai. Gần tới kì sinh nở, vợ chồng cùng trở về cố hương. Tới đêm mùng 8 tháng giêng năm Giáp Thân (804), khi trên trời bỗng có một áng mây vàng hình tròn bay lơ lửng che xuống sân nhà, làm sáng rực cả một khu đất rộng thì Nguyễn Thị Đức hạ sinh một người con trai diện mạo "mày vua Nghiêu, mắt vua Thuấn, vai vua Thang, lưng vua Vũ". Cả nhà vô cùng mừng rỡ. Vũ Công Huy đặt tên con là Vũ Hồn (chữ Hồn có nghĩa là hồn nhiên, ôn hoà, thông minh).
Bản ngọc phả họ Vũ hiện còn lưu ở đình làng Mộ Trạch do Đông các đại học sĩ Nguyễn Bính sao từ chính bản năm Hồng Phúc nguyên niên (1572) có đoạn viết về Vũ Hồn như sau: "Năm 7 tuổi bắt đầu đi học, sách vở xem qua một lượt đã nhớ hết. 12 tuổi học đã tinh thông văn chương, qua cửa Trình, cửa Chu, học lực vượt họ Âu, họ Tô, thi tài cùng ông Lý, ông Đỗ". Năm Canh Tí (820), Vũ Hồn 16 tuổi, thi đình đỗ đại khoa, được vua Đường khen là người tài thứ nhất trong thiên hạ, phong làm Lễ bộ tả thị lang; năm Canh Thân (840) được thăng Đô đài ngự sử, coi sóc việc quan quyền trong triều; năm Tân Dậu (841) được thăng An Nam đô hộ sứ. Các bộ chính sử đều đề cập việc này. Ví dụ: An Nam chí lược (do Lê Tắc soạn năm 1355) ghi: "Vũ Hồn làm An Nam kinh lược, năm Hội Xương thứ ba" (tức năm 843); Việt sử lược (được soạn khoảng năm 1377) có ghi tên Vũ Hồn trong danh sách các quan cai trị An Nam thời Đường; Đại Việt sử kí toàn thư (do Lê Quý Đôn soạn năm 1479) ghi: "Tân Dậu (tức năm 841) Đường Vũ Tôn Viêm, Hội Xương năm thứ nhất, nhà vua xuống chiếu lấy Vũ Hồn làm kinh lược sứ thay Hàn Ước".
Quay trở lại làm quan đứng đầu quê mẹ, Vũ Hồn thường về làng Mạn Nhuế viếng mộ ông nội và đi kinh lí các vùng. Tới vùng Lạp Trạch, thấy thế đất đúng như 4 câu tương truyền"Muốn cho con cháu làm quan - Thì tìm thiên mã phương Nam đứng chầu - Muốn cho kế thế công hầu - Thì tìm chiêng trống bày chầu hai bên", Vũ Hồn bèn hoạ đồ, cắm đất, mộ dân, lập ấp, đặt tên Khả Mộ (đáng mến), sau đổi là Mộ Trạch (nay là thôn Mộ Trạch - xã Tân Hồng - huyện Bình Giang - tỉnh Hải Dương).
Vũ Hồn thường tâm sự với người thân: "Người xưa lấy việc được phụng dưỡng cha mẹ già một ngày còn hơn làm đến tam công (ba ông quan to nhất trong triều). Nay ta còn mẹ tuổi đã già, chẳng lẽ ham quyền cao chức trọng mà sao nhãng việc đó ư?". Lại nhân triều Đường chia rẽ, bè phái, Vũ Hồn bèn cáo quan, về quê cha đón mẹ sang đất Khả Mộ để ngày đêm phụng dưỡng. Ấy là năm Giáp Tý (844). Vài năm sau mẹ mất, Vũ Hồn đem linh cữu mẹ chôn cất ở tổng Kiệt Đặc (nay là thôn Kiệt Thượng thuộc xã Văn An - huyện Chí Linh - tỉnh Hải Dương) là nơi thế đất đẹp đầu hướng về dãy núi Phượng hoàng chân hướng phía Lục Đầu Giang "Đầu gối sơn, chân đạp thuỷ". Về ngôi mộ của vị tổ mẫu này, báo An ninh thế giới số 603 ngày 08/11/2006 đã có bài đăng rất chi tiết.
Ở Khả Mộ, Vũ Hồn vừa dạy học, vừa bốc thuốc chữa bệnh cho dân, sống rất nhân hậu nên được dân trong vùng ví như mặt trăng, mặt trời, kính yêu như cha mẹ, suy tôn là"hương thuỷ tổ" (ông tổ của quê hương). Ngày mùng 3 tháng chạp năm Quý Dậu (853), Vũ Hồn đang ngồi dạy học thì thấy trong người không yên rồi tự nhiên mà mất, thọ 49 tuổi. Dân làng an táng Vũ Hồn tại một gò cao ở cánh đồng phía bắc làng (gọi là Mả Thần). Vừa hạ huyệt bỗng mây đen kéo tới, trời đất tối sầm, mưa như trút. Lát sau mưa tạnh, mây tan, nắng lại chiếu sáng rực. Mọi người bừng tỉnh thì thấy kiến, mối đã đội đất đắp cho ngôi mộ thành ra rất to. Dân làng lấy làm lạ, vội đi báo quan. Quan bảo: "Đó là điều kì lạ, chứng tỏ người rất thiêng, dân hãy lập miếu thờ". Dân làm theo ngay. Quan cũng dâng sớ lên, nhà vua nhận được liền ban sắc phong Vũ Hồn là "Thượng đẳng phúc thần". Vũ Hồn được coi là thần tổ của dòng họ Vũ (Võ) Việt Nam, là thành hoàng của làng Mộ Trạch từ đó.
Trải qua các triều đại xưa, đức thần tổ Vũ Hồn, thành hoàng làng Mộ Trạch đã được các vị vua ban tặng rất nhiều sắc phong nhưng nay chỉ còn lưu giữ được 12 đạo. Triều Trần phong "Thông minh, tuệ trú, hùng kiệt, trác vĩ, thượng đẳng thần", nghĩa là "Vị thần bậc trên thông minh, trí tuệ, mạnh mẽ, rộng rãi". Triều Lê sơ phong "Tế thế, an dân, kinh phù, ngưng hiệu, thượng đẳng thần", nghĩa là "Vị thần bậc trên giúp đời, yên dân, thiêng giúp, ứng lớn". Triều Lê mạt, phong 6 lần: năm Long Đức thứ hai (1732), phong "Phù cảm, huy quốc, tuy dân", nghĩa là "Linh ứng, giúp nước, yên dân"; năm Vĩnh Hiệu thứ ba (1737) phong"Châu linh, hiển uý, thịnh liệt", nghĩa là "Thật thiêng, ứng thấy ngay, rất thịnh"; năm Cảnh Hưng thứ nhất (1740) phong "Hoành hiệu, diên phúc, dụ hậu", nghĩa là "Vui lớn, phúc lâu, giàu bền"; năm Cảnh Hưng thứ mười tám (1767) phong "Khải văn, thiệu vũ, đốc khánh",nghĩa là "Mở nền văn, gây nghiệp vũ, dốc lòng về phúc"; năm Cảnh Hưng thứ bốn mươi (1779) phong "Diểu quang, khuông lộ, xương dấu", nghĩa là "Mở rộng vinh, mở rộng phúc, thịnh vượng lâu dài"; năm Chiêu Thống thứ nhất (1787) phong "Thuần hổ, hồng hi, phu mĩ",nghĩa là "Thọ, phúc lớn, tốt đẹp". Triều Tây Sơn, năm Quang Trung thứ nhất phong (1788)"Di trạch, nghiên cổ, hoằng dụ, phổ khánh", nghĩa là "Ơn lớn, tốt đẹp, giàu có, phúc to". Triều Nguyễn, phong ba lần: năm Tự Đức thứ mười hai (1859) phong "Tuấn lương, tối linh, phù vân đại vương", nghĩa là "Đại vương sáng lành, rất thiêng, phù trợ"; năm Tự Đức thứ ba mươi (1878) phong "Dục bão trung hưng", nghĩa là "Mạnh giúp nên trung hưng"; vua Khải Định phong "Quang ý", nghĩa là "Sáng suốt".
Trên 1.200 năm qua, vật đổi sao dời, nước có lúc thịnh lúc suy, nhà có lúc tan lúc hợp nhưng lớp lớp cháu con dòng họ Vũ (Võ) Việt Nam dù ở bất cứ nơi đâu, dù mang họ Vũ hay đã cải thành họ Võ (*), Đặng Vũ, Nguyễn Vũ... thì vẫn một lòng hướng về quê tổ ở Mộ Trạch, về đức thần tổ Vũ Hồn. Đặc biệt, ở thời nào, người dòng họ Vũ cũng nêu caotruyền thống yêu nước, thương nòi, rèn đức, luyện tài, lập nghiệp, giúp đời. Dưới thời phong kiến có tới 166 người họ Vũ đỗ tiến sĩ, trong đó có 30 người họ Vũ làng Mộ Trạch. Chính vì thế mà Mộ Trạch được gọi là "tiến sĩ sào" (ổ tiến sĩ). Khoa thi năm 1656, cả nước có hơn 3.000 người dự thi chỉ có 6 người đỗ tiến sĩ, trong đó có 3 người họ Vũ làng Mộ Trạch, khiến vua Tự Đức phải phê rằng "nhất gia bán thiên hạ" (một nhà bằng nửa nước).
Dòng họ Vũ (Võ) Việt Nam với bề dầy lịch sử hơn 1.200 năm đã luôn không ngừng sát cánh cùng với trăm họ trong cả nước nêu cao truyền thống bất khuất "con lạc, cháu hồng", đoàn kết xây dựng một đất nước Việt Nam giầu mạnh sánh vai với các cường quốc 5 châu. Nhà thơ Vũ Quần Phương của chúng ta đã viết:
Trăm họ làm nên một nước nhà
Góp phần có họ Vũ nhà ta
Đọc thơ – hái quả càng ơn gốc
Nghĩ việc – thương gần lại nhớ xa
Hỡi ai bút mực lòng thăm thẳm
Máu đỏ tình thâm chẳng nhạt nhoà
Cháu con một họ yêu trăm họ
Trăm họ làm nên một quốc gia.
(*) Chi, nhánh họ Vũ ở miền Bắc di chuyển vào miền Trung và miền Nam, đã chuyển sang họ Võ, do phải kiêng tên hiệu của chúa Nguyễn (phạm húy) là Vũ Vương Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765), cũng như họ Hoàng phải chuyển sang họ Huỳnh do kiêng tên chúa Nguyễn (Nguyễn Hoàng). Đối với chữ Hán, Nôm chữ Vũ hay Võ đều chỉ là 1 chữ. hovuvovietnam.com/index.php
Chú Thích:
Những địa danh lưu giữ di tích liên quan đến thủy tổ dòng họ Vũ (Võ) Việt Nam được nhiều cháu con thăm viếng là:
1. Miếu thờ và Lăng mộ Đức Thần tổ Vũ Hồn tại làng Mộ Trạch, xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Đi từ Hà Nội theo đường số 5 đến Km 38 gặp ngã tư Quán Gỏi rẽ tay phải qua cầu Kẻ Sặt có đường nhựa thẳng về đến tận làng Mộ Trạch. Hàng năm cứ đến ngày Lễ Tổ mùng 8 tháng Giêng âm lịch con cháu họ Vũ (Võ) khắp nơi trong nước và cả một số hậu duệ ở nước ngoài cùng về dự lễ hội truyền thống. Số người về hàng vạn người, có cả những người ngoài họ Vũ (Võ) và các phóng viên, các nhà nghiên cứu sử học.... cũng tham gia.
2. Ngôi mộ cổ ông nội đức Thần tổ Vũ Hồn ở Đống Dờm Nam Sách đã được chôn cất hơn 1.200 năm nay vẫn còn những bia đá rất nhiều ý nghĩa trên đó. Đó là vùng đất đắc địa với những câu như: "Bách nhạn hội sào" hay " Cửu thập bát tú tiều dương". Mộ Tổ Đống Dờm ở ngay cạnh đường nhựa của thị Trấn Nam Sách. (Đường Trần Phú nơi có nhà máy gạch tuy-nen có biển xi măng to ghi chữ "Mộ Tổ họ Vũ (Võ) VN). Từ TP Hải Dương đi về Nam Sách 12 Km là đến nơi. Xe có thể vào tận gò mộ.
3. Ngôi mộ cổ của Mẹ Đức Thần tổ Vũ Hồn là cụ Nguyễn Thị Đức được an táng ở tổng Kiệt Đặc nay là thôn Kiệt Thượng xã Văn An, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Cách Phả lại 5,5 Km và cách thị trấn Sao Đỏ 4,5 Km sẽ có lối rẽ vào cùng phía và gần UBND xã Văn An. Xe con và xe nhỡ vào được tận lăng mộ.