Thần Tổ Vũ Hồn là nhân vật lịch sử được dân làng Mộ Trạch thờ làm Thành hoàng nhờ công lao khai cơ lập ấp, mở trường dạy học nêu cao tấm gương đạo đức để lại truyền thống nhân hậu trí tuệ cho các thế hệ Vũ - Võ mai sau. Mộ Trạch là làng khoa bảng nôi tiếng và đền thờ Vũ Hồn đã được công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia.
Trải qua các đời, Thành hoàng Vũ Hồn luôn được các triều vua ban tặng sắc phong Thần. Hiện tại đền thờ còn lưu giữ được 12 đạo sắc phong. Đáng lưu ý là dưới triều Trần, một triều đại võ công, văn trị đã lãnh đạo nhân dân Đại Việt ba lần đại thắng quân Mông Nguyên có đóng góp của Tướng quân Vũ Nạp trong trận chặn địch ở sông Giá, buộc chúng phải đi vào trận địa Bạch Đằng, vua Trần đã đã phong Thành Hoàng Vũ Hồn là Thông Minh, Tuệ trí, Hùng kiệt, Trác vĩ Thượng Đẳng Thần (nghĩa là vị Thần ở bậc Thượng đẳng có trí tuệ thông minh, phẩm chất hùng kiệt và tâm hồn rộng mở).
Sang thời Lê Sơ, một triều đại coi hiền tài là nguyên khí Quốc gia, có nhiều trí thức họ Vũ có công giúp nước, triều đình đã cấp sắc phong Thành hoàng Vũ Hồn là Tế thế, An dân, Kinh phù, Ứng hiệu Thượng Đẳng Thần (nghĩa là vị Thần ở bậc Thượng đẳng uy danh rộng lớn, an dân phụ quốc được linh ứng).
Đặc biệt là dưới thời Tây Sơn, ngay năm đầu tiên lên ngôi Hoàng đế, vừa mới đại phá quân Thanh, Vua Quang Trung đã tặng sắc gia phong cho Thần Vũ Hồn 8 Mỹ tự là Di trạch, Nghiên cổ, Hoằng dụ, Phổ khánh (nghĩa là ơn Thượng đẳng thần truyền lại ân trạch, cuộc sống tốt đẹp, giàu có và hạnh phúc).
Đến năm Hồng phúc nguyên niên (1572) Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính đã viết một bản Ngọc phả nói khá chi tiết về cuộc đời và hành trạng của Thần Tổ Vũ Hồn, trong đó có đoạn: “Đến đời Trần Nhân Tống quân Nguyên Mông xâm chiếm nước ta, kinh thành bị thất thủ, Trần Quốc Tuấn phụng mệnh vua cầu đảo bách thần phù giúp, đức Thần tổ [họ Vũ] hiển ứng ngầm giúp. Khi bình được Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp, vua bèn phong cho các mỹ tự là Thông Minh, Tuệ trí, Hùng kiệt, Trác vĩ.
Đến thời Lê Thái Tổ khở nghĩa ở Lam Sơn, bình lũ Mộc Thạnh, Liễu Thăng ở Chi Lăng, 10 năm yên được thiên hạ, lại gia phong mỹ tự cho Thần là Tế thế, An dân, Kinh phù, Ứng hiệu”.
Tất cả những văn bản được dẫn trên đây đều được lưu giữ tại đền thờ Thần Tổ ở thôn Mộ Trạch, xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương.
Thần Tổ Vũ Hồn được nhân dân và các triều đại tôn trọng, kính ngưỡng, được hàng triệu bà con Vũ - Võ cả nước và ở nước ngoài kính ngưỡng thờ phụng là hợp với truyền thống văn hoá Việt nam. Việc ông Vũ Thế Khôi mang danh họ Vũ mà nói những lời xúc phạm Thần Tổ đã gây nên sự bất bình cho bà con, tạo ra sự bất ổn, mất đoàn kết, cần sớm được chấm dứt.
Việc bà con Vũ - Võ giao lưu gặp gỡ tại chùa Ba Vàng, một ngôi chùa mà vị Sư Tổ xây chùa cách đây 300 năm mang họ Vũ có nghi lễ thắp hương tưởng nhớ Thần Tổ và Sư Tổ trong ngày đó cũng hoàn toàn đúng không chỉ với truyền thống Vệt nam mà còn với cả giáo lý Phật giáo Việt Nam thấm đẫm văn hoá thờ cúng Tổ Tiên, báo ân với Tổ Quốc và Nhân Dân.