vuvobd.vn
Chuyện kể 3 di tích: Đống Dờm, Kiệt Đặc, Mộ Trạch của dòng họ Vũ – Võ Việt Nam (Phần 2) (23/10/2014)
Mộ Tổ mẫu Nguyễn Thị Đức - Thân mẫu Thủy tổ Vũ Hồn tại thôn Kiệt Đặc, phường Văn An, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương.

 Gia phả có ghi và cụ Vũ Tiên Oanh cũng nhắc đến, cụ Vũ Công Huy có nhiều vợ, trong đó có cụ Lưu Thị Phượng là chính thất (vợ cả) là người Phúc Nam, tìm được điểm đặt huyệt Đống Dờm đã táng mộ cụ bố Vũ Tiên Oanh vào đó và ở lại Việt Nam trông nom mộ. Trong thời gian này cụ Huy gặp cụ Nguyễn Thị Đức con gái một thầy đồ dạy học ở làng bên. Cụ Đức trở thành vợ bé của cụ Huy, sinh ra cụ Vũ Hồn. Sau khi từ quan cụ Vũ Hồn ở lại Việt Nam lập ấp, dạy học và phụng dưỡng mẹ già. Khi cụ Đức qua đời, thầy địa lý Vũ Hồn đã tìm điểm đặt huyệt ở Kiệt Đặc, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương, chôn cất theo phép phong thuỷ. Cụ Vũ Hồn ở lại Kiệt Đặc trông nom mộ mẹ sau 3 năm mới quay về Mộ Trạch. Năm tháng trôi qua, thấm thoắt đã nghìn năm, con cháu họ Vũ đã không lưu giữ được mộ cụ Nguyễn Thị Đức. Năm 1993 tình cờ một người nông dân ở Kiệt Đặc được chia đất làm nhà và đào nó đã chạm phải ngôi mộ đặc biệt, anh ta chuyển mộ lên táng ở gò nhỏ đầu bờ cách chỗ cũ hơn 100 mét. Mộ táng dài dắt xen giữa các mộ khác, đất chật hẹp, trên mặt có xây gạch nhưng đã bị cạy vỡ nham nhở. Năm 1997, các anh Vũ Mạnh Hà, Vũ Thuý và phong thuỷ Vũ Quang Tiến có về đây tìm hiểu nhưng chưa xác nhận được có phải mộ cụ Nguyễn Thị Đức không? Mọi người vẫn canh cánh trong lòng, chương trình hoạt động của Ban liên lạc lúc nào cũng nhắc đến việc phải đi tìm mộ cụ Đức. Khi khởi công tôn tạo di tích cụ Vũ Hồn ở Mộ Trạch, con cháu lại nhận được lời răn dạy của cụ Vũ Hồn qua chị Phan Thị Bích Hằng: Các cháu phải cố gắng tìm mộ thân mẫu của Cụ. Ngày 18/3/2003 anh Võ Văn Hồng tổ chức chuyến đi mời nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng về tại ngôi mộ nghi vấn nói trên ở Kiệt Đặc dựa vào khả năng phát hiện mộ của chị Hằng. Kết quả chị Hằng đã thỉnh mời được chân linh các cụ Nguyễn Thị Đức, cụ Vũ Hồn, cụ Võ Văn Trình về tại mộ phần này trò chuyện với con cháu. Như vậy linh mộ cụ Đức đã được xác định (có bài tường thuật riêng do bác Vũ Thuý soạn). Cuộc trò chuyện diễn ra trong không khí mừng tủi khôn xiết, con cháu hết sức xúc động nên chưa kịp hỏi cụ hết những điều muốn hỏi thì cụ đã ra đi. Bởi thế trong buổi tiếp thỉnh hôm nay, con cháu muốn được lời khuyên của các cụ để có hướng tôn tạo và giữ gìn ngôi mộ ở Kiệt Đặc cho mai sau.

Anh Võ Văn Hồng thưa ngay với cụ Vũ Tiên Oanh: “Mộ của cụ Nguyễn Thị Đức đã bị di rời sang chỗ mới, vị trí này không thuận lợi cho việc tôn tạo, chúng cháu muốn đưa mộ về chỗ cũ và chuộc lại miếng đất người nông dân nọ để có điều kiện chăm sóc mộ phần tốt hơn, xin cụ cho lời khuyên”.

Sau lời khấn và tiếng “vâng… dạ” như chị Hằng đã nghe các cụ nói. Cụ Oanh bảo (lời chị Hằng) tiết thanh minh vừa rồi cụ được con dâu và cháu đón về Kiệt Đặc nên cụ biết hết rồi. Cụ Vũ Hồn giỏi địa lý tìm được huyệt Kiệt Đặc rất đẹp, thế phong thuỷ ở đây không phải “Cửu thập bát tú triều dương” như Đống Dờm mà là “Ao vực nước trong xanh - đời đời phát công khanh”, huyệt cạnh ao. Con cháu phải đưa mộ về chỗ cũ, dịch ra một chút chứ không phải đúng in trên vị trí cũ vì một huyệt không táng hai lần. Cụ nhắc lại nhất thiết phải đưa mộ về đầu mạch nước cạnh ao, vị trí ấy đẹp nhất. Cụ Vũ Hồn bảo trước đây cụ chưa nói điều này vì sợ con cháu chuyển mộ vất vả nhưng bây giờ đã có ý kiến của ông nội cụ rồi thì phải nghe theo thôi. Cụ Vũ Hồn chỉ dẫn cụ thể thêm vị trí trong vườn chuối, chỗ con cháu đóng cọc hôm trước, dịch về phía trước vài thước độ một sải gối, hướng thì như cụ Đức đã dặn rồi, đầu gối lên núi Phượng Hoàng, chân đặt phía sông Kinh Thầy. Chuyển mộ không được thiếu cái gì, quan tài của cụ Đức chính là mấy tấm gỗ vàng tâm, cụ dùng làm phản nằm khi lâm bệnh, cụ Đức rất thích mấy tấm gỗ này. Khi Cụ qua đời, lo ma chay con cháu đã đưa những tấm phản ra cho thợ thửa thành quan tài. Cụ Vũ Hồn nhắc lại phải đặc biệt nhớ những tấm gỗ. Vị trí miếu thờ Cụ bảo ở cạnh gốc cây đổ gần đó (mọi người đã nhận ra vị trí gốc cây), có thể xây lại ở đây, còn bia được chôn ở ao cách đây mấy chục thước. Anh Võ Văn Hồng đề xuất xin đắp một ụ đất cao chính chỗ bia và trồng một cây lâu năm để làm dây và tạo sự liên kết giữa Mộ - Miếu thờ - Bia thành thế tam kỳ ngộ. Cụ chỉ dẫn cho nên trồng cây gì. Cụ Vũ Hồn bảo đất ở đây hợp cây vải, nên trồng cây vải, sau vài hội nữa một hội 600 năm) họ Vũ lại có cây vải nghìn năm (mọi người cười phấn khởi).

Cụ Vũ Tiên Oanh bảo cụ Nguyễn Thị Đức là con dâu Cụ, lấy cụ Vũ Công Huy, khi cụ Huy đưa mộ bố sang táng ở Đống Dờm. Quê cụ Đức là làng Mạn Nhuế, phủ Nam Sách, tỉnh Hải Dương, con gái một cụ đồ họ Nguyễn, ở đấy chỉ có một họ Nguyễn và bây giờ cũng không còn ai. Cưới xong hai Cụ đưa nhau về Phúc Kiến, các bà vợ trước (cụ Vũ Công Huy có nhiều vợ) thấy một cô gái Nam Việt thì bắt nạt. Sinh cụ Vũ Hồn ở Phúc Kiến, sau thời gian cụ Đức lại về Nam Việt sống. Cụ Vũ Công Huy làm quan Thái thú, dinh thái thú cũng ở dinh này. Tiếp theo lại đến lượt cụ Vũ Hồn làm Thái thú, hai bố con đều là Thái thú, nhưng cụ Vũ Hồn không ở dinh này, Cụ làm dinh ở chỗ khác. Sau chức Thái thú, cụ Vũ Hồn được cử lên làm Kinh lược sứ nhưng Cụ bảo Cụ chỉ làm quan tú tuần rồi xin về dạy học, cụ thích làm thầy, bố Cụ làm quan suốt đời.

Mộ Tổ mẫu Nguyễn Thị Đức - Thân mẫu Thủy tổ Vũ Hồn tại thôn Kiệt Đặc

phường Văn An, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương

Hôm 18/3/2003, thỉnh cụ Đức ở mộ Kiệt Đắc, Cụ đã cho biết hai Cụ có 6 người con. Con trai đầu Vũ Hiền chết lúc 9 tuổi, con gái út là Vũ Niệm Vy cũng chết lúc 9 tuổi. Cụ Vũ Hồn là thứ hai và là cháu đích tôn duy nhất kế tự dòng họ Vũ Tiên Oanh.

Xin cụ tổ cho biết vong linh cụ Vũ Niệm Vy thờ ở đâu? cả 3 cụ Vũ Tiên Oanh, cụ Vũ Hồn và cụ Võ Văn Trình đều chỉ dẫn về bãi sậy có hồ bán nguyệt gần thị xã Hưng Yên, chứ không phải đầm Dạ Trạch như các cháu nói. Mộ để gần bờ sông, ngoài đê, ở đấy có cây đa nghìn tuổi. Các Cụ nói ngôi đền này không phải thờ một mình Vũ Niệm Vy mà được quan Thái thú khấn xin cho vào đến thờ để thờ cùng với nhiều người.

Chị Hằng nói lời chỉ dẫn của các Cụ hết sức tỷ mỷ, rõ ràng: Đi trên con đường rẽ đã quan sát thấy gì, đến chỗ rẽ trái đi lùi vào sẽ thấy gì ở phía trước mặt, qua hồ bán nguyệt sẽ thấy rõ hơn có nhà thờ họ Vũ, vào trong chút nữa thì bên phải là đình thái thú, bên trái là đền thờ. Cụ Võ Văn Trình bảo Cụ được đi cùng cụ Vũ Hồn tìm về đây (nơi thờ Vũ Niệm Vy) cụ nhắc lại đúng là họ Vũ có cách đây 1000 năm. 

Trong số con cháu ngồi nghe có kiến trúc sư Vũ Văn Tuân. Kỹ sư xây dựng Nguyễn Anh Tuấn tỏ ra biết về những địa danh vừa nhắc đến ở Hưng Yên nên sau mỗi câu nói của chị Hằng, hai anh cứ gật đầu liên tục, cười phấn khởi “đúng, đúng rồi”. Các anh nói các anh đã tìm đến và hình dung rất rõ những điểm mốc các cụ chỉ dẫn.

Anh Võ Văn Hồng sốt sắng: “Phải tìm bằng được đền thờ cụ Vũ Niệm Vy, Tuân ơi, cố gắng nhé”.

HẾT PHẦN 2

Các tin khác
Tin xem nhiều nhất
Tin nổi bật

HỘI ĐỒNG DÒNG HỌ VŨ VÕ TỈNH BÌNH DƯƠNG 

Facebook: https://www.facebook.com/hovuvobd

Email[email protected]

Website: vuvobd.vn

 

Zalo Ban Văn Phòng: 0813.014.789

Điện thoại hỗ trợ: 0919.31.32.95 (Võ Bích - Chánh Văn Phòng)

Địa chỉ Nhà thờ họ Vũ Võ : Đường Bạch Đằng, khu phố 1, Phường Vĩnh Tân, Thành phốTân Uyên (Bình Dương)

Google map: https://maps.app.goo.gl/1fzZCzk3CDi78u159